Pages

Lựa chọn NHỰA, XỐP, GỖ, INOX HAY SÀNH SỨ cho cây ?



Cả nhà mình cùng bạn Van Nguyen lựa chọn NHỰA, XỐP, GỖ, INOX HAY SÀNH SỨ cho cây nha.

Tham gia cùng các bạn một thời gian, thấy có nhiều người bạn mới gọi điện hỏi: Bạn ơi, tớ thích trồng cây lắm, nhưng người thì bảo trồng thùng nhựa mới tốt, người thì lại nói thùng xốp mới hay, người thì nói thùng gỗ mới đẹp … người thì lại bảo đã chơi thì phải chơi thùng inox … tớ tẩu hoả nhập ma mất !

Hì, đâu đến mức như vậy nhỉ? Nhân tiện cuối tuần rồi, nhiều bạn sẽ dành thời gian này để bắt tay vào với khu vườn nhà mình nên mình chia sẻ một vài ý kiến theo kinh nghiệm của mình! Bác nào thấy có gì không hợp lý thì cũng nhân đây tư vấn lại cho mình nhé!

Nhựa , xốp, gỗ, Inox hay sành sứ…thậm chí là các vật liệu khác … các bạn đều có thể đem ra trồng cây được hết cả, tuy nhiên tuỳ thuộc vào sở thích, nhu cầu, điều kiện thực tế (Cả về tiền bạc cũng như không gian trồng cây, mục đích và loại cây trồng) của các bạn mà nên quyết định trồng loại nào cho hợp lý … không có cái gì gọi là tuyệt đối chỉ có cái gọi là tương đối và phù hợp mà thôi.

1. Thùng nhựa/ Chậu nhựa/ Khay nhựa:
1.1. Ưu điểm: Loại này đang được các bạn yêu thích trồng cây vì những lý do như sau:
- Đa dạng mẫu mã và chủng loại: Trên thị trường có rất nhiều mẫu mã nên tuỳ thuộc vào sở thích bạn có thể lựa chọn được cái phù hợp cho bản thân.
- Kích thước: Từ cái cốc ti ti đến cái chậu tầm trung cũng có nên mọi không gian bạn đều có thể sử dụng.
- Màu sắc: Đa dạng màu sắc cho hợp gu của các bạn.
- Thị trường bán nhiều: Chính vì thị trường cung cấp nhiều nên đi đâu bạn cũng thấy, lựa chọn cũng dễ hơn.
- Giá cả: Giá cả cũng không thấp nhưng cũng không quá cao, nói chung là chấp nhận được, khi sản xuất thể loại này các nhà máy họ chế tạo khuôn mẫu rồi sản xuất hàng loạt nên giá thành cũng tốt, tuy nhiên các bạn lưu ý nhiều loại chậu do dùng nhựa tái chế nên rất dễ bị lão hoá nhanh nên có khi chỉ sau một mùa cây là chậu đã bạc màu, giòn và dễ vỡ chưa kể đến việc nhựa tạp nên được sử dụng lại cả các loại nhựa tận dụng từ đồ điện, điện tử … nên độc tố thôi ra đất của các bạn rất không tốt.
- Ngoài ra còn một ưu điểm khác nữa là nếu mọi người có muốn chế các cút nước ra vào đối lưu, tuần hoàn cũng sẽ dễ khoan, đục và trít keo bịt kín hơn …

1.2. Nhược điểm:
- Khả năng giữ nhiệt: Có một việc mà ít bạn nào quan tâm đó là nhiệt độ của khu vực các bạn trồng cây, chậu mỏng quá, trong quá thì khi trồng rễ cây sẽ không mọc ra sát thành chậu được do nắng nóng chiếu vào làm đất khu vực này có nhiệt độ cao.
- Khả năng lão hoá: Sợ nhất là vấn đề này… ở đây mình không nói đến tính kinh tế nữa mà muốn nói đến sự an toàn … nhựa gì thì nhựa, tốt mấy thì tốt để ngoài mưa nắng kiểu gì cũng lão hoá … tuy nhiên nhiều bạn cứ ung dung móc treo ngay trên ban công các tầng … rồi ngày tháng năm quên mất … khi mưa to, gió lớn là rơi bụp xuống … chính vì vậy mặc dù model móc treo chậu đơn T111 có thiết kế rất đẹp mình cũng không khuyến khích các bạn treo quay ra ngoài ban công!
- Diện tích: Đại đa số các khay nhựa hiện tại trên thị trường vẫn còn có kích thước khiêm tốn do nếu làm lớn thì khuôn gia công đắt, nhựa cũng phải dày hơn thì mới cứng vững … nên việc trồng theo kiểu nho nhỏ thì hợp lý chứ muốn trồng lớn thì hơi khó, việc các bạn xới đất sẽ bị vướng víu … tất nhiên trừ khi bạn vác thùng phi nhựa ra cắt rồi tự chế thì mình không dám có ý kiến

2. Thùng xốp:
2.1. Ưu điểm: 
- Tận dụng: Mọi người cũng hay dùng thùng xốp là bởi vì tận dụng lại từ các thùng xốp chứa hoa quả, thuỷ hải sản … mua lại từ các chị bán hoa quả, bán hải sản ở các chợ rất rẻ.
- Cách nhiệt: Xốp cách nhiệt tốt nên cây trồng trong đây phát triển cũng rất tốt.

2.2. Nhược điểm:
- Lôm côm: Thùng xốp mua cũ lại thì rất rẻ nhưng khổ nỗi rất lôm côm, cái to, cái bé, cái sứt, cái mẻ, cái đen cái trắng … vậy nên nếu muốn làm một khu vườn đẹp thì e là không ổn. Còn mua mới thì cũng không rẻ, tuy nhiên theo mình thì vẫn rẻ hơn là thùng nhựa.
- Dễ vỡ: Loại này bê các bạn nên bê đỡ đáy chứ không sẽ dễ bị vỡ … tốt nhất các bạn nên quấn một lớp băng dính phía ngoài thùng để cho an toàn hơn, liên kết của xốp cũng dai hơn.
- Nếu muốn chế hệ thống tuần hoàn nước hơi khó vì bạn này không khoan đẹp được mà có làm thì cũng chỉ có cách dùi nóng, nhồi ống và trít keo, tuy nhiên cũng khó kín lắm.

3. Thùng gỗ:
3.1. Ưu điểm:
- Mỹ thuật: Thùng gỗ nếu biết cách dùng rất đẹp mà lại bền, cảm giác cũng thân thiện với môi trường hơn.
- Sử dụng ở mọi địa hình: Những địa hình phức tạp hoặc rất lớn không có khả năng dùng thùng nhựa hay thùng xốp thì hoàn toàn có thể dùng gỗ để đóng riêng được.
- Cách nhiệt: Gỗ cũng cách nhiệt rất tốt giống như xốp vậy.

3.2. Nhược điểm:
- Mốc/mối/mục: Dù xử lý tốt đến mấy thì với môi trường làm việc là ẩm, ướt thì gỗ cũng không tránh được mối mọt và mục. Còn nếu bạn đã quyết tâm chơi gỗ thì tốt nhất nên xử lý qua bề mặt và lót ni-lon phía trong cho gỗ đỡ phải tiếp xúc trực tiếp với đất và với nước.
- Giá cao: Giá của các chậu gỗ cũng tương đối cao nhất là khi các bạn muốn gia công bề mặt nhẵn nhụi để tránh dằm gỗ gim vào tay hoặc thậm chí muốn sơn lên cho đẹp nữa thì càng đắt. Còn tất nhiên để tận dụng gỗ và tự tay đóng được thì mình không nói vì giá thành của những sản phẩm làm từ gỗ đắt nhất vẫn là công thợ chứ không phải tiền nguyên vật liệu.

4. Thùng Inox
4.1. Ưu điểm:
- Độ bền: Inox chỉ chỉ có ưu một ưu điểm là bền với thời gian, bề mặt nhẵn nhụi và sáng nên có thể lau chùi dễ dàng
- Làm may đo đơn chiếc: Và cũng giống như gỗ, có thể thiết kế theo kiểu may đo theo từng địa hình rồi hàn các tấm lại với nhau
4.2. Nhược điểm:
- Giá cao: Riêng đối với loại vật liệu này thì giá chắc chắn ở trên trời, bản thân mình khuyên các bạn không nên dùng loại này.
- Không bị gỉ nhưng vẫn có khả năng: Nhiều bạn quan niệm sai lầm Inox thì không gỉ nhưng không phải như vậy, Inox 201 vẫn gỉ, Inox 304 thì không gỉ nhưng khổ nỗi là thị trường Việt Nam gần như chỉ có 304 của China … mác inox thì là vậy nhưng chất lượng thì không thể theo tiêu chuẩn châu Âu nên cũng đừng lạ nếu đặt thợ làm xong mà inox vẫn cứ bị gỉ như thường. Thêm nữa là khi gia công các mối hàn bị nhiệt độ cao làm phá vỡ liên kết bề mặt thép đặc biệt là lớp phía ngoài nên rất dễ bị gỉ ở đây nên người thợ không xử lý tốt.

5. Chậu bê tông, sành, sứ:
5.1. Ưu điểm:
- Cách nhiệt: Giống như chậu xốp hay thùng gỗ … loại chậu này cũng có khả năng cách nhiệt tốt tuy nhiên thùng xốp cách nhiệt vẫn là tốt nhất.
- Hoa văn: Với các loại chậu bê tông thông thường thì không nói, nhưng các loại chậu sành sứ khác được các cơ sở sản xuất gốm làm thủ công nên có thể tạo nhiều loại hoa văn trên thân khác nhau … nên các chậu cũng mang những màu sắc và phong cách riêng.

5.2. Nhược điểm:
- Nặng: Đại đa số các loại chậu này thường rất nặng, phù hợp cho việc trồng cây cảnh nhiều hơn là trồng rau, với các loại chậu to thì khi đã định đặt đâu thì nên quyết định chắc chắn vì khi đã thêm đất trồng cây vào rồi thì di chuyển rất khó khăn. Đặc biệt khi nhu cầu trồng cây ở đô thị tại các ban công, sân thượng lên cao thì càng giảm thiểu được khối lượng bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu … các loại chậu này dần mất đi tính cạnh tranh với các loại chậu sử dụng vật liệu mới.
- Dễ vỡ: Những loại chậu này rất dễ vỡ khi di chuyển hoặc khi có vật gì khác chạm vào, với các loại chậu bê tông thông thường thì còn dễ rạn, nứt dưới trời nắng to.
- Tốn diện tích: Đại đa số loại chậu này được người dân làm bằng cách quay bê tông, đất sét … nên chủ yếu có hình dáng tròn … nếu với mục đích chơi thì được chứ với mục đích hiệu quả thì không hợp lý vi các chậu khi đặt sát nhau sẽ rất tốn diện tích và diện tích bị lãng phí giữa các chậu sẽ rất lớn.

6. Các loại khác: Và tất nhiên còn vô vàn các kiểu làm chậu, làm kệ khác … như các bạn hàn khung rồi bắn tấm nhựa nhôm (Alu ..) vào, hoặc bắn tấm nhựa, tấm tôn vào … quây thành hộp chứa đất … về cái này thì khả năng sáng tạo của mỗi người mỗi khác nên mình không bàn về ưu và nhược của loại này.

Vậy hy vọng với những gì chia sẻ phía trên sẽ giúp ích được cho những bạn mới bắt đầu và còn ít kinh nghiệm sẽ biết cách lựa chọn loại vật liệu nào phù hợp cho khu vườn của mình!

Mr.Hero

Phasellus facilisis convallis metus, ut imperdiet augue auctor nec. Duis at velit id augue lobortis porta. Sed varius, enim accumsan aliquam tincidunt, tortor urna vulputate quam, eget finibus urna est in augue.

No comments:

Post a Comment